Thanh điệu Việt_bính

Tiếng Quảng Đông cũng có 6 thanh điệu như tiếng Việt. Tuy nhiên 6 thanh điệu của tiếng Quảng Đông không hoàn toàn giống với tiếng Việt. Sáu thanh trong tiếng Quảng Đông bao gồm:

  • Thanh thứ nhất (được ký hiệu bằng số 1): tương đương với thanh sắc (vần kết thúc bởi 'p', 't', 'k') hoặc thanh ngang tiếng Việt
  • Thanh thứ hai (được ký hiệu bằng số 2): tương đương với thanh hỏi tiếng Việt
  • Thanh thứ ba (được ký hiệu bằng số 3): tương đương với thanh ngang tiếng Việt hoặc thanh nặng (vần kết thúc bởi 'p', 't', 'k').
  • Thanh thứ tư (được ký hiệu bằng số 4): tương đương với thanh huyền tiếng Việt
  • Thanh thứ năm (được ký hiệu bằng số 5): tương đương với thanh nặng trong tiếng Việt
  • Thanh thứ sáu (được ký hiệu bằng số 6): tương đương với thanh huyền nhưng cao hơn, hoặc thanh nặng cao hơn (vần kết thúc bởi 'p', 't', 'k').

Đối với JyutPing thanh điệu được ký hiệu bằng số như trên sẽ được ghi ngay sau chữ Latinh. Ví dụ: ngo5, sik1, leng3. Một số trường hợp các số thanh điệu này được ghi lên phía trên một tí (superscript) nhằm mục đích thẩm mỹ trong phiên âm.

Như vậy trong tiếng Việt có hai thanh hỏi và ngã là khá gần nhau (nhất là người miền Nam không phân biệt 2 thanh này) thì trong tiếng Quảng Đông có 2 thanh thứ tư và thanh thứ sáu mà đối với người Việt khá giống nhau (đều là thanh huyền, chỉ khác là một thấp và một cao hơn tí). Đối với người Quảng Châu và người Hong Kong thì họ phân biệt khá rõ hai thanh này.

Bảng dưới đây thể hiện ký hiệu, sự biến hóa cũng như vị trí của 6 thanh trong tiếng Quảng Đông.

Ký hiệuThay đổiVí trí thanh điệuFuSi
1ngangcao nhất (5-5)fu1 夫 (phu), fuk1 福 (phúc)si1 詩 (thi=thơ), sik1 識 (thức=biết)
2lêntừ giữa lên cao (3-5)fu2 苦 (khổ)si2 史 (sử)
3ngangở giữa (3-3)fu3 富 (phú), fut3 闊 (khoát=rộng)si3 試 (thử), sit3 舌(thiệt=lưỡi)
4ngangdưới thấp (1-1)fu4 扶 (phù=vịn)si4 時 (thời)
5lêndưới lên giữa (1-3)fu5 婦 (phụ=vợ)si5 市 (thị=chợ)
6ngangdưới (2-2)fu6 父 (phụ=cha),fuk6 服 (phục)si6 事 (sự=việc), sik6 食 (thực=ăn)

Ghi chú: một số tài liệu còn phân biệt hai loại thanh thứ 1 là (5-3) và (5-5) cũng như có tài liệu ghi thanh thứ 4 là (2-1) thay vì (1-1). Trong tài liệu này, với mục đích giới thiệu cơ bản ngữ âm trong tiếng Quảng Đông, sẽ không đi sâu vào vấn đề này.